-
Viết bởi: herbieadmin
-
17/03/2022
Bật mí 5 bí quyết giúp trẻ tự tin và quyết đoán
Áo xanh hay đỏ ? Kem Vani hay dâu tây ? Phim hay sách ? Hãy giúp con cái tin tưởng vào quyết định của chúng. Học cách đưa ra lựa chọn của riêng mình giúp trẻ độc lập, có trách nhiệm và tự tin
1. Đưa ra một tình huống cụ thể
Bạn nên nghĩ ra 1 tình huống cụ thể, và nói to thành tiếng cho con nghe các bước phân tích trước khi bạn ra quyết định, chỉ ra các ưu và khuyết điểm của từng lựa chọn, các yếu tố đáng cân nhắc và điều gì là yếu tố quyết định.
Ví dụ, bạn và con chọn quà sinh nhật cho Ông, bạn có thể nói về giá của quà tặng, sở thích của Ông và những thứ mà Ông hay sử dụng. Những gợi ý này cho phép con bạn nhận ra cách bạn lựa chọn để đi đến quyết định và hiểu được những cố gắng cần có và cách thức cần thiết để đưa ra những quyết định của riêng mình.
2. Hạn chế các lựa chọn
Hãy làm 1 phép thử này nhé: đưa cho con gái một quyển giới thiệu mẫu bánh gato tuyệt đẹp để cô bé tự chọn bánh cho ngày sinh nhật của mình. Cô bé sẽ nhanh chóng bị choáng ngợp trong việc chọn bánh. Tiến sỹ Chansky nói “Nghiên cứu cho thấy nếu có quá nhiều lựa chọn, chúng ta sẽ bị choáng ngợp vì không muốn từ chối nhiều thứ”. Hạn chế các lựa chọn chỉ còn một số ít (2 đến 3 lựa chọn) và sau đó để trẻ tự chọn. Qua những lần thực hành như vậy, trẻ sẽ có kinh nghiệm để đưa ra những quyết định đúng.
3. Phân định mức độ quan trọng của quyết định
Trẻ em thường gặp khó khăn khi cố gắng đưa ra một quyết định vì chúng nghĩ quyết định đó là một việc rất trọng đại. Giúp con bạn học cách phân biệt mức độ quan trọng của các quyết định để làm chúng bớt lo lắng và như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian cho cả con và bạn. Giải thích rằng quyết định nhỏ ví dụ như hôm nay đi học về sẽ ăn nhẹ món gì có thể được đưa ra nhanh chóng; Các quyết định trung bình, chẳng hạn như mượn cuốn sách nào từ thư viện đòi hỏi phải suy nghĩ nhiều hơn một chút. Những quyết định quan trọng hơn, giống như lựa chọn một môn thể thao để tham gia , cần có thêm thời gian và sự cân nhắc. Rồi đến lần tiếp theo, con trẻ gặp bối rối trong việc đặt nước hoa quả ở tiệm ăn, bạn có thể nhắc nhở đây là quyết định nhỏ để chúng không cảm thấy áp lực.
4. Chơi trò chơi “Nếu thì”
“Khi trẻ em tự đặt các câu hỏi hoặc tự so sánh và cân nhắc giữa các quyết định, đấy là lúc chúng tự làm chậm lại quá trình suy nghĩ để có khả năng tư duy về tổng thể sự việc tốt hơn”, theo tiến sĩ Michelle P. Maidenberg, giám đốc bệnh viện Nhi Westchester, ở Harrison. Bạn có thể giúp con bạn làm quen với phương pháp suy nghĩ này bằng cách đưa ra các kịch bản đòi hỏi phải có sự lựa chọn và giải quyết vấn đề cơ bản. Tình huống có thể là con sẽ quyết định ra sao khi có hai người bạn cùng lớp mời tới dự sinh nhật trùng nhau vào cùng một giờ trong cùng một ngày hoặc sẽ quyết định mua gì khi con bạn giành được giải 10 đô la ở lớp học. Đây là cách làm hay để thúc đẩy kỹ năng suy nghĩ có trọng điểm và cách đưa ra quyết định chính xác của con.
5. Cho phép trải nghiệm quyết định sai
Tất nhiên, bạn biết những gì có thể xảy ra nếu con của bạn đem theo đồ chơi yêu thích đến trường. Nhưng nếu con vẫn khăng khăng đòi mang đồ chơi đến trường mặc dù bạn đã phân tích nguy cơ bị mất thì hãy cứ để cho nó đem đến trường. “Miễn là nó không ảnh hưởng tới vấn đề sức khỏe hoặc sự an toàn. Điều quan trọng đối với trẻ em là để nó thực hiện một số quyết định sai lầm từ đó sẽ giúp trẻ học được rõ hơn mối quan hệ nếu thì“, tiến sỹ Stavinoha nói. Khi con của bạn khóc lúc về đến nhà vì đã đánh mất đồ chơi yêu thích ở trường, chắc chắn lần sau con sẽ không kì kèo với bạn về việc để đồ chơi ở nhà hay mang đến trường những ngày tiếp theo.
Herbie sưu tầm và dịch
Tags: