-
Viết bởi: herbieadmin
-
17/03/2022
4 dấu hiệu cho thấy trẻ lớn lên sẽ không hiếu thảo, cần sửa ngay
4 dấu hiệu cho thấy trẻ lớn lên sẽ không hiếu thảo, cần sửa ngay
Hiện nay có rất nhiều bậc phụ huynh thường hay nói rằng: “Con à, những món ngon trong nhà đều là của con cả!”, “Cục cưng à, cha mẹ có thể hy sinh tất cả vì con!”, “Con chỉ cần học cho giỏi, những việc khác cứ để mẹ!”…
Mọi người cho rằng những lời này là vì tốt cho con, nhưng lại không hay biết rằng nếu cứ làm như vậy, trẻ sẽ ngày càng “thích gì làm nấy” mà không hiểu lòng cha mẹ, thậm chí còn trở nên ngang ngược, sau này rất khó sửa đổi.
Việc dạy cho con “hiếu thảo” có liên hệ rất lớn với lời nói và hành động của cha mẹ, một số hành vi nào đó của cha mẹ sẽ trực tiếp dẫn đến việc trẻ trở nên “bất hiếu”. Nhiều cha mẹ vì mong muốn để con “thành tài” mà dùng sai phương pháp giáo dục, quên mất rằng phải dạy con biết hiếu thuận.
Nếu phát hiện thấy con mình có 4 hành vi sau đây, cha mẹ cần phải kịp thời sửa đổi lại cách dạy con của mình và dẫn dắt con trẻ một cách đúng đắn.
1. Tùy ý chống đối, cãi lời cha mẹ, khiến cha mẹ tức giận
Chống lại cha mẹ, khiến cha mẹ tức giận là biểu hiện không hiếu thuận thường thấy nhất ở trẻ.
Bởi vì hiện nay có rất nhiều trẻ là con một, vì vậy cha mẹ thường sẽ “ngoan ngoãn” làm theo mọi điều trẻ mong muốn, ông bà cũng rất nuông chiều. Vô tình một lần nào đó không thỏa mãn yêu cầu của trẻ thì trẻ sẽ chống lại cha mẹ, làm những gì mình muốn.
Những đứa trẻ không hiểu chuyện này trong lời nói không biết tôn trọng và lễ độ với cha mẹ, thậm chí hoàn toàn cố tình trái ý cha mẹ, cha mẹ nói đông, chúng nhất định phải là tây, mục đích duy nhất chính là khiến cha mẹ tức giận.
Ngày nay, có rất nhiều bậc phụ huynh chỉ nghĩ làm sao để con trở nên ưu tú, mà thường quên mất cần dạy con hiếu thảo.Đương nhiên, hiếu thuận cũng không phải là lúc nào cũng làm theo mọi điều cha mẹ muốn.
Khi con trẻ bắt đầu chống lại mình, các bậc phụ huynh nên xem xét lại bản thân, liệu có phải thật sự là mình làm gì đó không phải hay không. Nếu thật sự là trẻ không đúng thì cha mẹ cần phải dạy dỗ, dẫn dắt con, bình tĩnh trò chuyện cùng con, hỏi xem vì sao con không vui, vì sao lại chống đối, nhẫn nại dạy con bằng một thái độ tích cực.
2. Không biết cảm ơn cha mẹ
Chúng ta thường hay thấy những hình ảnh của trẻ như:
- Đến bữa ăn không phụ giúp cha mẹ sắp cơm, để cha mẹ nấu xong rồi gọi xuống ăn.
- Lúc ăn cơm không biết mời cha mẹ;
- Sau bữa cơm, đặt chén xuống rồi đi xem TV hoặc đi chơi, còn cha mẹ thì bận rộn dọn chén đũa;
- Ở nhà có món gì ngon, cha mẹ luôn để dành cho con ăn, còn trẻ lại rất ít khi mời cha mẹ dùng trước;
- Con bị bệnh, cha mẹ chăm sóc rất tỉ mỉ, còn khi cha mẹ không khỏe, con lại rất ít hỏi han, thậm chí còn chẳng thèm nhìn đến…
- v.v…
Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường như thế này đã quen với việc nhận được sự quan tâm, yêu thương từ gia đình, trẻ sẽ cho rằng tình yêu mà gia đình dành cho mình là điều tất nhiên, mà không biết cách làm thế nào để yêu thương người thân, hiếu thuận với cha mẹ.
Người làm cha mẹ nên dạy con biết cảm ơn, có thể bắt đầu từ những điều sau:
- Đừng hy sinh quá nhiều hay can dự quá nhiều vì con, đừng làm mọi việc thay con.
- Đừng cho trẻ được ăn “một mình một món”.
- Đừng “làm theo mọi yêu cầu”, càng không được “đoán ý để chiều theo”, đừng để con có được mọi thứ quá dễ dàng.
- Có thể thường xuyên kể những việc vất vả trong công việc cho con nghe.
- Cha mẹ hãy làm gương cho con, cho con điều kiện để “đền đáp”.
3. Có tính chiếm hữu cao
Có rất nhiều trẻ cảm thấy trong nhà mình là “công chúa nhỏ” hoặc “hoàng tử bé”, những thứ gì ngon và hay đương nhiên đều là của mình mới đúng.
Vì vậy, hễ ở nhà có gì đó mà mình thích thì nhất định phải chiếm dụng. Thật ra điều này cũng là một loại biểu hiện của việc không hiếu thuận.
Cha mẹ là vì yêu thương con cái vô điều kiện, nên mới tình nguyện cho con mọi thứ. Ngược lại, nếu con cũng yêu thương cha mẹ như thế thì liệu có biết làm giống như cha mẹ chăng?
Trên thực tế, những trẻ đã quen ngông nghênh, ngạo nghễ, chẳng những sẽ không nhường những gì tốt nhất cho cha mẹ, mà ngược lại còn chiếm lấy những thứ đó mà chẳng suy nghĩ.
Có rất nhiều trẻ chỉ cần trên bàn có món mà mình thích thì sẽ không cho bất cứ ai được động đũa đến. Có chương trình TV mà mình muốn xem thì không cho bất cứ ai đụng đến chiếc điều khiển. Có món đồ chơi mà mình thích thì ngay cả cha mẹ đụng đến cũng không được.
Trong mắt chỉ có bản thân, không có ai khác, kể cả cha mẹ của mình, như thế này làm sao có thể được xem là một người hiếu thảo?
4. Hống hách, hoàn toàn không bảo được
Có rất nhiều việc trẻ rõ ràng biết là bản thân làm sai, nhưng khi bạn nói con một câu, con lại chối bay chối biến, hoặc còn đổ lỗi cho người lớn, nói đến câu thứ hai thì bỏ đi mất khiến cha mẹ chẳng biết phải làm thế nào.
Những đứa trẻ như vậy đã quen với việc xem mình là trung tâm, mà tất cả những điều này đều là cho cha mẹ chiều thành quen. Nếu không kịp thời chấn chỉnh, sau khi lớn lên chắc chắn cũng sẽ không thể thành người tốt được, huống chi là hiểu thuận với cha mẹ.
Lòng hiếu thảo đặt lên hàng đầu trong 100 điều thiện
Người xưa có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên”, có nghĩa là trong trăm điều thiện lành, chữ Hiếu là đứng đầu. Hiếu với cha mẹ là một chuẩn mực đạo đức rất được coi trọng. Cho nên, làm con đối với cha mẹ phải tận hiếu.
Con người bất luận là giàu hay nghèo, địa vị cao sang hay thấp hèn thì đều là do cha mẹ sinh ra, do cha mẹ nuôi dưỡng, do đó, nhất định phải hiếu thuận với cha mẹ.
Một đứa trẻ từ nhỏ đã biết hiếu thảo với cha mẹ thì vận mệnh nhất định sẽ rất may mắn, tương lai nhất định sẽ tươi đẹp!
Theo Trithuc
Tags: