-
Viết bởi: herbieadmin
-
17/03/2022
6 BÀI HỌC GIÁ TRỊ CỦA ĐỒNG TIỀN TRẺ TỪ 3 TUỔI CẦN ĐƯỢC DẠY
Nhiều cha mẹ cho rằng có rất nhiều thứ quan trọng để dạy trẻ hơn là giá trị đồng tiền và cách chi tiêu hợp lý. Thế nhưng, thói quen chi tiêu bắt đầu hình thành từ khi còn rất nhỏ. Theo Sam Renick, chuyên gia tư vấn tài chính và tác giả của cuốn sách „Dạy trẻ học cách tiêu tiền khôn ngoan càng sớm càng tốt“, trẻ con hiện nay hàng ngày bị ảnh hưởng từ các chương trình TV, báo chí, quảng cáo với nhiều hình thức khuyến khích mua sắm, tiêu tiền. Cha mẹ nên có những bài học dạy trẻ chi tiêu hợp lý.
Trẻ từ 3 tuổi trở lên đã có thể học được các bài học cơ bản về giá trị của đồng tiền và trên thực tế, dạy trẻ không khó như các bạn nghĩ. Hãy tham khảo 6 bài học dưới đây:
1. Cho trẻ học làm quen với giá trị của đồng tiền
Trẻ chưa làm ra tiền không có nghĩa là chưa thể học về giá trị của tiền. Trẻ cần được tiếp xúc với tiền để hiểu các khái niệm cơ bản về chi tiêu. Các mẹ có thể cho trẻ từ 3 tuổi tiếp xúc với tiền bằng cách cho con trả tiền khi đi siêu thị. Con sẽ hiểu tiền dùng để trao đổi, mua đồ dùng. Khi con 4 t
uổi, cho con những đồng tiền lẻ bỏ vào lợn đất/ heo đất để tiết kiệm hoặc chơi các trò chơi như mua hàng hoặc ngân hàng để dạy trẻ những khái niệm cơ bản nhất về tiền.
2. Dạy trẻ giá trị của tiền và đồ đạc
Cha mẹ cần dạy trẻ rằng những đồ đạc trong nhà cũng cần phải được trân trọng, bố mẹ phải đi làm kiếm tiền mới có thể mua được những thứ đó. Đây là 1 trong những nền tảng của giáo dục về giá trị của đồng tiền.
Nếu con vứt sách hoặc đồ đạc bừa bãi, mẹ cần phải giải thích cho trẻ nếu con biết nâng niu đồ đạc, sách vở thì mọi thứ sẽ dùng được lâu hơn.Khi đồ chơi, đồ dùng hay sách vở bị hỏng, không nên dạy con là mẹ sẽ mua cái khác cho con ngay. Thay vào đó, hãy nhẹ nhàng giải thích với con là mua đồ mới cần phải có tiền, và mẹ sẽ cân nhắc xem có nên mua đồ mới thay thế không. Đây cũng là cơ hội để trao đổi với trẻ về những thứ khác trong gia đình cũng cần phải trả tiền để có như thức ăn, quần áo, đồ dùng v.v
3. Khuyến khích trẻ trì hoãn mua những thứ muốn nhất thời
„Con muốn mua ngay cơ“ Chắc các mẹ đã nhiều lần nghe câu nói này. Trẻ thường không có khả năng chờ đợi lâu nhưng học cách chờ đợi lại rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ.
Dạy trẻ khả năng chờ đợi là 1 trong những nền tảng cơ bản để hiểu giá trị của đồng tiền. Và bố mẹ nên dạy trẻ từ sớm, kể cả những vấn đề không liên quan đến tiền. Ví dụ như trẻ muốn ăn 1 cái bánh trong lúc bạn đang bận quét nhà, đừng lấy bánh ngay cho trẻ mà hãy nói với con rằng khi nào mẹ quét nhà xong thì sẽ lấy bánh cho con. Nếu con muốn mua 1 bộ quần áo mới, hãy nói với con là đợi đến sinh nhật hoặc Giáng sinh.
Cũng theo tác giả Sharon Lechter, đồng tác giả của cuốn „Cha giàu cha nghèo“, dạy trẻ biết chờ đợi là món quà lớn nhất mà cha mẹ mang lại cho trẻ. Hãy bắt đầu bằng những khoảng thời gian chờ đợi ngắn thôi. Ví dụ khi con 5 tuổi, con hãy tự tiết kiệm tiền để mua kẹo. Mỗi tuần hãy cho trẻ 1 khoản tiền nhỏ và giải thích cho con rằng con sẽ được mua những thứ con thích. Trẻ sẽ học cách tự chi tiêu và để dành để mua những thứ lớn hơn.
Khi trẻ lớn hơn, khả năng chờ đợi tăng lên. Ví dụ khi con khoảng 6-7 tuổi trở lên và muốn mua đồ chơi, hãy cùng con lên 1 kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm để có
được khoản tiền cần thiết. Có thể các mẹ sẽ nghe được những lời phàn nàn từ phía con nhưng trẻ sẽ học được nhiều thứ, ngoài giá trị của tiền, còn là sự tự tin của bản thân khi tự mình tiết kiệm mua được những gì mình muốn.
4. Trao đổi thẳng thắn với con về giá trị của tiền bạc
Có rất nhiều cha mẹ ngại, né tránh trao đổi với con về vấn đề tiền bạc. Điều này sẽ làm cho trẻ hiểu sai về tiền, ví dụ như máy ATM không bao giờ hết tiền, nếu cần mua gì thì cứ ra đó rút là sẽ có tiền.
Những trao đổi về tiền với con có thể bắt đầu từ những thứ rất đơn giản, ví dụ như khi đi rút tiền cùng con ở ATM, bạn có thể giải thích là mẹ đã cho tiền vào đó và bây giờ lấy ra 1 ít để mua đồ. Điều này sẽ giúp con hiểu không phải mọi thứ lúc nào cũng có sẵn.
Hoặc khi cùng con đi mua sắm, hãy nói những suy nghĩ của mình cho con, ví dụ nếu mẹ rất thích bộ nồi mới này, nhưng nếu mẹ mua thì tháng này sẽ không đủ tiền để trả tiền gas. Mà gas rất quan trọng để nấu ăn nên chắc mẹ sẽ để dành tiền mua sau. Những trao đổi này sẽ dạy trẻ những bài học cơ bản nhất về chi tiêu.
Điều quan trọng là cha mẹ phải nhẹ nhàng, và dạy con bằng các bài học thực tế, tránh những bài thuyết trình dài dòng, gây stress.
5. Hãy là tấm gương tốt cho con
Nếu bạn muốn dạy con thì trước tiên hãy là tấm gương cho con tập. Nếu bạn muốn dạy con bài học tiết kiệm tiền thì bạn nên tiết kiệm và để cho con biết bạn tiết kiệm như thế nào. Nếu bạn muốn dạy con cách chia sẻ, làm từ thiện thì hãy cùng con làm từ thiện.
6. Cho trẻ cơ hội thực hành
Với trẻ nhỏ chưa đi học lớp 1, có thể chơi trò chơi mua hàng cùng con với tiền đồ chơi. Trẻ sẽ học các khái niệm tiền dùng để làm gì, như thế nào.
Với trẻ lớn hơn, hãy cho trẻ 1 khoản tiền nhỏ hàng tuần. Ý tưởng để dành tiền trong lợn/ heo đất phù hợp cho trẻ từ 4 tuổi trở lên. Cho dù con chưa hiểu rõ về tiết kiệm tiền, nhưng đã biết tự bỏ tiền vào heo/ lợn đất tiết kiệm đã là 1 bước khởi đầu quan trọng.
Herbie sưu tầm và dịch