-
Viết bởi: herbieadmin
-
17/03/2022
7 BÍ QUYẾT GIÚP CON HẾT SỢ ĐI BÁC SĨ
Rất ít trẻ thích đi khám bác sĩ. Có 1 số trẻ đặc biệt sợ bác sĩ. Đó là điều bình thường bởi hầu hết trẻ không thích người lạ chạm vào, thậm chí tiêm đau cho mình. Cha mẹ tham khảo 7 bí quyết dưới đấy để giúp con cảm thấy yên tâm hơn cho lần đi khám bác sĩ sau nhé.
1. Cha mẹ nên đi cùng con
Mặc dù có thể bạn nhờ ông bà hoặc người giúp việc có thể đưa bé đi khám bác sĩ, NHƯNG 2-3 lần đi khám đầu tiên, cha mẹ nên là người trực tiếp đưa trẻ đi khám. Bên cạnh đó, trẻ sẽ quan sát thái độ của cha mẹ. Nếu trẻ thấy cha mẹ yên tâm tin tưởng bác sĩ, trẻ sẽ cảm thấy bớt sợ hãi hơn.
2. Chơi trò chơi bác sĩ hoặc đọc sách về bác sĩ cho trẻ
Cha mẹ nên chơi trò chơi bác sĩ với con. Mua 1 bộ đồ chơi bác sĩ, và cùng bé chơi khám bệnh. Có thể bé đóng vai bệnh nhân hoặc 1 bạn thú bông đóng vai bệnh nhân. Trò chơi bác sĩ kiểm tra tim, phổi, đo nhiệt độ, tiêm… sẽ giúp trẻ biết trước những gì sẽ diễn ra khi đi khám bác sĩ. Nhờ vậy trẻ sẽ tự tin hơn, và bớt sợ hơn. Bạn cũng có thể đọc cho bé nghe 1 vài cuốn sách để về việc đi khám bác sĩ để bé hiểu và yên tâm hơn.
3. Cho phép con sợ hãi
KHÔNG nên nói với trẻ “đừng sợ”, “tiêm không đau đâu” hoặc “Đừng khóc” bởi vì khi nghe câu này, trẻ sẽ nghĩ rằng cha mẹ không hiểu và chăm sóc mình. Thay vào đó, hãy cho phép con sợ hãi, khóc. Cha mẹ cần cho con biết mình hiểu con cảm thấy đau, hoặc sợ như thế nào. “Tiêm đúng là hơi đau 1 chút đúng không con, nhưng 1 lát nữa là sẽ hết đau thôi.” Bạn phải cho con biết bạn luôn ở bên cạnh con trong suốt thời gian con bị tiêm để bé cảm thấy yên tâm. LỖI cơ bản của nhiều cha mẹ khi thấy con sợ tiêm, đó là nói với con “đừng lo, con sẽ không bị tiêm đâu” mặc dù chưa biết con có bị tiêm hay không. Điều này làm cho trẻ sợ hãi hơn mỗi lần đi khám. Thay vào đó, nên nói với con “không phải lần nào gặp bác sĩ là cũng bị tiêm đâu”
4. Giúp con thoải mái và tự chủ
Ngồi một mình với bác sĩ có thể sẽ khiến bé thêm lo lắng. Cha mẹ có thể cho bé ngồi vào lòng khi bác sĩ khám để con yên tâm hơn. Con sẽ tin tưởng rằng chẳng có gì xấu sẽ xảy ra cả nếu có cha hoặc mẹ ngồi cạnh mình. Có nhiều trẻ sợ hãi hơn nữa khi có người lạ sờ vào người mình, vào những chỗ trẻ không thích. Do vậy, cha mẹ có thể giúp trẻ cảm thấy tự chủ bằng cách cho con sự lựa chọn. Ví dụ “con thích bác sĩ khám tai nào trước?”
5. Mang theo thú bông hoặc búp bê con yêu thích nhất
Bạn thú bông hoặc búp bê yêu thích nhất là thứ lý tưởng mang theo. Bác sĩ sẽ khám bệnh trước cho thú bông hoặc búp bê để trẻ cảm thấy yên tâm hơn. Bạn Gấu khám bênh xong, giờ tới lượt con nhé. Nếu bé có anh hoặc chị không sợ bác sĩ, cha mẹ có thể mời anh hoặc chi đi cùng và để anh chị thử khám trước. Sau khi nhìn thấy anh chị được khám, bé sẽ cảm thấy an tâm hơn nhiều.
6. Hứa cho bé thứ gì đó sau khi khám xong
Hãy khen bé và thưởng bé vì đã có nhiều tiến bộ hơn lần khám trước. Phần thưởng cho bé không cần phải quá lớn và cha mẹ tránh tạo ra áp lực cho bé trong các lần khám sau. Hãy khen con và thưởng con những phần quà nhỏ cho dù có những tiến bộ nhỏ nhất. Nếu không, lần khám sau, bé sẽ bị áp lực phải làm sao để được nhận quà, khiến bé càng thêm lo lắng và sợ hãi.
7. Hãy tin vào bản năng làm cha mẹ của mình
Khi lựa chọn bac sĩ, bên cạnh khả năng, trình độ khám bệnh, con người, tính cách của bác sĩ cũng rất quan trọng. Đa phần trẻ đều sợ bác sĩ nhưng cha mẹ vẫn nên nói chuyện với con, hỏi xem tại sao và điểm gì khiến con sợ như vậy. Bạn cũng nên tham khảo thông tin từ 1 vài cha mẹ khác cũng có con khám tại bác sĩ này để xem con học có sợ và tại sao lại sợ. Nếu nỗi sợ của trẻ có cơ sở, hãy tìm bác sĩ mới.
HERBIE sưu tầm và dịch
Tags: