-
Viết bởi: herbieadmin
-
17/03/2022
8 bí quyết điều trị cơn ăn vạ của bé
Mặc dù đa phần cha mẹ cố gắng tìm cách hạn chế bé ăn vạ, rất khó tránh khỏi những lúc bé mệt, buồn ngủ, đói, lúc bé dễ ăn vạ nhất. Ăn vạ đôi khi là cách bé xả bực bội khó chịu, cũng có thể là cách bé vòi vĩnh, đòi hỏi điều gì đó từ cha mẹ. Dưới đây là 8 bí quyết được đúc kết bởi nhiều nhà nghiên cứu tâm lý trẻ tại Mỹ:
1. Cha mẹ phải là người bình tĩnh nhất. Bạn là hình mẫu, là tấm gương bé học tập. Bé sẽ nhìn và học cách phản ứng của bạn trong cơn giận dữ, bực tức và làm giống vậy khi lớn lên. Cách tốt nhất cha mẹ nên làm là giữ bình tĩnh, cho dù bạn muốn mắng con hoặc quát con nhưng cách tốt nhất lúc này là im lặng hoặc mặc kệ để trẻ qua cơn. Cho dù cha mẹ có muốn la mắng, hay dạy dỗ trẻ, chúng không có tâm trí nào nghe bạn đâu vì tâm trí và tai bé lúc này đang chỉ có tiếng gào khóc của bản thân
2. Trong lúc im lặng hoặc mặc kệ bé, bạn có thể ngồi gần bé và đừng nhìn vào mắt bé. Trẻ con rất khôn, nếu chúng thấy ăn vạ không có tác dụng gì thì sẽ ngưng ngay.
3. Nếu con ăn vạ chỗ công cộng, nơi đông người, bạn nên đưa bé ra góc nào vắng chỉ có 2 mẹ con, nơi bé có thể xả hết cơn ăn vạ ra. Tâm lý cha mẹ lúc này thường là ngại ngùng và xấu hổ với bạn bè xung quanh, do vậy bạn rất dễ nổi nóng với con. Do vậy đưa bé ra chỗ riêng còn giúp bạn kiềm chế cơn nóng giận của bản thân. Nếu ngồi ra chỗ riêng mà bé vẫn không chịu hết ăn vạ thì nên đưa bé về nhà. Cách này còn giúp bé hiểu nếu ăn vạ thì sẽ phải về nhà, không được đi chơi nữa.
4. Nói với bé bằng giọng nhẹ nhàng nhưng dứt khoát. Nếu bé ăn vạ nơi đông người nhưng không thể mang bé ra nơi khác, hoặc về nhà, ví dụ trên tàu, trên máy bay, cha mẹ phải thật bình tĩnh và nói với con bằng 1 giọng nhẹ nhàng nhưng dứt khoát
5. Không quát mắng, dạy dỗ trẻ lúc này. Quát mắng dạy dỗ trẻ khi chúng ăn vạ sẽ làm cho cả 2 bên bùng nổ thêm cơn bực tức. Trẻ sẽ không nghe bạn lúc chúng đang ăn vạ đâu.
6. Đánh lạc hướng trẻ hoặc sử dụng khướu hài hước để vượt qua cơn ăn vạ. Đánh lạc hướng, để hướng sự chú ý của bé tới các hoạt động khác, và quên đi cơn ăn vạ là cách khá hiệu quả với trẻ 2-4 tuổi
7. Trong 1 vài trường hợp: có thể nhân nhượng bé trong khuôn khổ cho phép. Tuy nhiên, cách này khá nguy hiểm bởi khoảng cách giữa nhân nhượng và hối lộ bé rất ngắn. Ví dụ của hối lộ “nếu con nín khóc, mẹ sẽ cho con ăn kem” nhưng nếu cả gia đình đang lái xe đi chơi, bé khóc và bạn nói “con nín khóc đi, mẹ bật cho con nghe bài hát con thích” là 1 cách nhân nhượng trong khuôn khổ.
8. Đừng bỏ qua các hành động bạo lực. Trong lúc bé ăn vạ và có những hành động như đánh, cắn mọi người xung quanh, hoặc ném đồ, bạn phải lên tiếng ngay. tốt nhất là đưa bé ra khỏi chỗ bé đang ăn vạ, và để bé dịu xuống. Hãy chờ bé dịu hẳn cơn bực tức, khoảng 1h – 2h sau đó hãy nói chuyện về các hành động của trẻ, phân tích đúng sai cho bé hiểu.
Điều quan trọng nhất giúp bé bình tĩnh là sau mỗi cơn ăn vạ, bạn hãy ôm bé, hôn bé và nói yêu bé. Sau đó khoảng 1h-2h sau đó, bạn hãy nói chuyện với con về những gì diễn ra, hỏi bé nguyên nhân và dạy bé cách giải quyết vấn đề của mình. Sau 1 vài lần bé sẽ học được cách xử lý tình huống khi bản thân không vừa lòng điều gì đó.
HERBIE sưu tầm và dịch