-
Viết bởi: herbieadmin
-
17/03/2022
Đi chân đất giúp bé… thông minh hơn?
Cha mẹ và nỗi lo sợ đi chân đất sẽ bị nhiễm lạnh hay nhiễm khuẩn từ đất, bị xây xước hay bị thương nếu dẫm phải mảnh chai, có khi chỉ là nỗi sợ con bị… bẩn chân, khiến cho trẻ em ngày nay ít có cơ hội được cảm nhận điều tuyệt diệu gì ở dưới bàn chân mình: đó là đất, với một nửa số vi khuẩn trong đất là có lợi cho hệ miễn dịch của trẻ. Bàn chân cũng là nơi kích hoạt hệ thần kinh, hệ nhận cảm cơ thể, tiền đề cho sự phát triển trí não, mà bài viết dưới đây sẽ phân tích nhiều hơn lý do vì sao cha mẹ nên cho phép trẻ tháo giày ra khi nào có thể.
Lòng bàn chân, cùng với các ngón tay, là một trong những vùng chứa nhiều dây thần kinh nhất trên cơ thể người. Biết đi giày là một bước tiến lớn của nhân loại, tuy vậy giày cũng là thứ cản trở các dây thần kinh ở chân làm một nhiệm vụ quan trọng là cảm nhận môi trường dưới đôi bàn chân và truyền lên não bộ. Tiến sĩ Kacie Flegal, từ Hiệp hội Nhi khoa Quốc tế về thần kinh cột sống (International Chiropractic Pediatrics Association) cho rằng đó sẽ là một thiếu sót lớn cho sự phát triển não bộ của trẻ nhỏ.
Trẻ từ khi sinh ra đã có đủ năm giác quan bên ngoài để làm nhiệm vụ tiếp nhận thông tin từ môi trường xung quanh, truyền lên não bộ cho việc học tập và phát triển. Năm giác quan đó bao gồm : thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Ngoài ra, trẻ còn có hai giác quan trong nữa là hệ nhận cảm cơ thể (proprioceptive system) và hệ tiền đình (vestibular system). Một cách ngắn gọn, hệ nhận cảm cho chúng ta biết về vị trí của các bộ phận cơ thể và toàn cơ thể trong không gian, còn hệ tiền đình chính là khả năng thăng bằng và phối hợp giữa các bộ phận cơ thể khi đi lại, chuyển động, hay chơi thể thao… Khoa học hiện đại đã khẳng định được tầm quan trọng của hai giác quan trong, đồng thời khám phá ra rằng tuổi nhỏ được đi chân trần chính là tiền đề để hai giác quan trong này phát triển.
Khi chúng ta chuyển động, các dây thần kinh dưới bàn chân là nơi cảm nhận thấy sức nặng của cơ thể đang thay đổi, vị trí cơ thể đang thay đổi, và chuyển các thông tin này lên não bộ. Các thông tin này được dùng để làm gì ? Trước tiên, não bộ sẽ có trách nhiệm bảo vệ chân khỏi bị thương, tiếp theo là bảo vệ hệ thống xương khớp khỏi tác động xấu, cuối cùng là điều chỉnh toàn bộ cơ thể phối hợp sao cho chuyển động của chúng ta đạt hiệu quả tốt nhất. Điều này được ghi trong cuốn The Barefoot Book của tác giả, TS. Daniel Howell.
Thay vì tiếp xúc với mặt đất, bàn chân thường xuyên tiếp xúc với đế giày. Điều này ngăn cản các dây thần kinh làm nhiệm vụ của chúng và do đó, làm giảm các kết nối thần kinh cần thiết cho sự phát triển não bộ. Đặc biệt là não bộ của trẻ nhỏ, TS. Flegal nhấn mạnh.
Vì vậy TS. Flegal khuyên cha mẹ đừng đi giày cho bé từ quá sớm (trước khi bé tập đi) và hãy tạo cơ hội cho bé tập đi chân trần mà không cần giày. Bàn chân trần cho phép trẻ cảm nhận các bề mặt cứng, mềm, trơn trượt hay gồ ghề, ẩm ướt… tốt cho xúc giác của trẻ. Bàn chân trần còn kích hoạt hệ thống nhận cảm cơ thể hoạt động. Các bề mặt khác nhau mà bàn chân tiếp xúc tạo cơ hội cho thần kinh cơ (neuromuscular), định hướng không gian, khả năng thăng bằng và khả năng phối hợp cơ thể của trẻ phát triển. Về lâu dài, việc phát triển hoàn thiện các giác quan (ngoài và trong) trong những năm đầu đời của trẻ chính là tạo nền tảng vững chắc cho trẻ phát triển các tầng cao hơn của não bộ, bao gồm việc phát triển cảm xúc, kỹ năng xã hội, ngôn ngữ, khả năng giải quyết vấn đề và sự tự tin ở trẻ.
Tất nhiên, trẻ cũng như người lớn cần giày dép để bảo vệ đôi bàn chân khỏi đau đớn và nguy hiểm. Nhưng trong các trường hợp không gây nguy hiểm và gần gũi với thiên nhiên, cha mẹ hãy tháo bỏ giày dép để trẻ được thoả thuê chạy nhảy chân trần trên nhiều bề mặt tự nhiên khác nhau như một sân gạch đỏ, một bãi cỏ mềm, một bãi cát nóng, một con đường rải sỏi, một đống lá khô, hay là một vũng nước mưa… càng nhiều, càng tốt. Đây chính là cách đơn giản nhất để phát triển trí não, phát triển vận động, sự tự tin và hạnh phúc mà bất kì cha mẹ nào cũng có thể làm cho trẻ.
Thuỳ Vân – theo returntonow.