-
Viết bởi: herbieadmin
-
17/03/2022
Học lệch và phông văn hoá
Học lệch và phông văn hoá
Sáng nay đọc FB thấy có một số bạn bình luận, và một số bạn like một bài của một Fber nổi tiếng nói về việc học làm mình thấy hơi hẫng hụt. Là bởi vì thấy trong số bạn like và chia sẻ đó có một số người mình vốn rất yêu quý và ngưỡng mộ.
Hy vọng là các bạn like nhưng không HOÀN TOÀN đồng ý với anh đó chứ nhỉ (?????).
Mình rất đồng tình với ý tưởng của bạn Thiên Hương, là không thể lấy cái cực đoan chống lại cực đoan kiểu như thế.
Không thể vì ở Việt Nam, trẻ con bị ép học nhiều quá, giáo dục chạy theo thành tích quá, khối lượng kiến thức khổng lồ quá mà phủ nhận các môn học văn hoá một cách chung chung như vậy chứ .
Mình vẫn đồng tình với nhiều người là không nên ép trẻ con học hành và chạy theo thành tích, điểm số, … một cách mù quáng vớ vẩn. Nhưng mình vẫn thích những cha mẹ chú trọng dạy con, khuyến khích con học hành để phát triển trí tuệ và trang bị phông văn hoá một cách phong phú nhất có thể được.
Các môn khoa học cơ bản giúp phát triển trí tuệ, sự suy nghĩ, tìm tòi, tư duy logic và có những niềm đam mê tìm kiếm…
Các môn xã hội giúp có hiểu biết nhất định về lịch sử, văn hoá, địa lý, các vùng đất, con người…
Môn văn đi cùng với văn hoá đọc giúp cho tư duy, giúp con người trình bày được ý tưởng một cách rõ ràng, mạch lạc, giúp giao tiếp, giúp viết lách, thuyết trình, thư từ…
Các môn thể thao, văn nghệ, âm nhạc giúp con người khoẻ mạnh, yêu cái đẹp, yêu đời, yêu cuộc sống, và dễ dàng hoà nhập với nhiều cộng đồng…
Văn học, nghệ thuật và âm nhạc…giúp người ta có tâm hồn đẹp đẽ…
Cha mẹ có thể không đồng tình với một số cách dạy, nội dung và chương trình dạy ở VN, mình rất hiểu điều này vì mình cũng có nhiều điều không đồng tình với giáo dục VN.
Nhưng mình nghĩ không đồng tình thì nên tìm kiếm các nguồn học, nguồn kiến thức thay thế, bổ xung cho con và cùng con, chứ không nên phủ nhận sạch trơn và quy vào mỗi câu không cần phải học, hoặc học chẳng để làm gì đúng không ạ ?
Sao lại đánh đồng giữa việc chán chường với cách dạy của nhà trường ở VN với việc phủ nhận các môn học đó, và bảo là học chẳng để làm gì ???
Ngoài những thứ nhà trường dạy, mình nghĩ cha mẹ ngày nay còn cần chú ý dạy con về môi trường, về sống xanh sống sạch, về phản biện xã hội và nhận thức, đánh giá xã hội…
Thêm nữa, ngay cả cứ cho là ý tưởng của anh đó là hay đi, thì mình cũng không tin là nếu không học gì về văn hoá, về các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, văn học… mà giỏi tiếng anh thật sự được các bạn ạ. Muốn giỏi một ngôn ngữ, là phải kèm theo phông văn hoá tốt nữa chứ đúng không ?.
Mình đã từng gặp nhiều học sinh ở VN qua đây học, học lệch, thiếu hiểu biết về văn hoá, xã hội, lịch sử… nên học hành hoà nhập đều khó khăn.
Năm ngoái trên vô tuyến có chương trình phỏng vấn một số sinh viên TQ ở trường Bách Khoa là một trong những trường lớn nhất ở đây.
Tụi sinh viên được phỏng vấn đều nói rằng hai năm đầu chúng nó học hành nhàn nhã, và nhìn sinh viên bản địa bằng nửa con mắt vì chương trình hai năm đầu chỉ chú trọng vào mấy môn khoa học cơ bản và những môn khoa học cơ bản đó chúng đã học đi học lại, ôn mòn đít quần ở TQ rồi nên đối với chúng nó chỉ là cái phẩy tay.
Từ năm thứ ba trở đi, khi bắt đầu có thêm những môn yêu cầu có phông văn hoá cơ bản, có hiểu biết về kinh tế, xã hội, con người, có làm việc nhóm, làm dự án cần viết lách nọ kia, bắt đầu đi thực tập trong các nhà máy, xí nghiệp,… thì tụi sinh viên xuất sắc TQ bị thụt lùi, và rất khổ sở mới bắt kịp hoặc/ mà vẫn không thể bắt kịp được các bạn sinh viên bản địa. Là bởi vì chúng kể rằng để chuẩn bị đi học nước ngoài chúng đã học rất lệch, bỏ qua rất nhiều môn không dính dáng khác…
Mình nhớ mãi một đứa sinh viên đã trả lời, là lúc tôi hiểu ra là cái phông văn hoá xã hội cơ bản cần đến thế nào, việc học những môn khác cần như thế nào thì đã hơi muộn rồi đó, và tôi đã phải khổ sở suốt hơn một năm trời để lấp chỗ trống, mà vẫn chưa là gì so với các bạn ở đây…
Đấy mình mới chỉ ví dụ tụi học trường bách khoa, là trường tưởng như chỉ cần giỏi các môn khoa học tự nhiên là đủ. Nếu nói tới tụi học các ngành khoa học xã hội, khoa học chính trị, khoa học con người, ngành kinh tế… thì còn nhiều thứ để bàn nữa.
Kiểu suy nghĩ của anh Fber nổi tiếng đó, có thể là một trong những yếu tố để giải thích cho cái suy nghĩ coi thường các ngành khoa học cơ bản, các ngành về văn hoá, xã hội, văn học và nghệ thuật… ở rất nhiều người ở VN.
Trong khi các ngành này, đều là nguồn gốc của hầu hết các sáng tạo…
Tối nay bỏ chút thời gian đọc cac bình luận, thì thấy đối với nhiều người, chỉ cần làm thế nào để kiếm được tiền, thật nhiều tiền là đủ, ít thấy người phân biệt giữa người giàu có tri thức có văn hoá và người giàu kiểu trọc phú, phân biệt giữa giàu do giỏi thật sự, và giàu do lắm mưu mô chụp giật.
Thật là buồn đúng không ?
……………..
Tóm lại, riêng mình thì thấy suy nghĩ kiểu đó là hời hợt và không thể tuyên bố chung chung như thế được.
Vì đối với riêng anh đó, giàu có, thành đạt, đã từng được học hành rất kinh,…thì anh có thể dạy con anh theo cách như anh nói mà con anh vẫn phát triển tốt, nhưng đối với nhiều người, thì nhà trường vẫn là nơi học quan trọng mình nghĩ thế.
Và mình vẫn nghĩ, đối với một đứa trẻ phát triển bình thường, tuy không ép, nhưng cha mẹ vẫn nên dạy cho con cái nền, trao cho con cái phông văn hoá cơ bản để có thể lựa chọn con đường của con…
Trừ phi cha mẹ và con đều siêu tài giỏi, hoặc trừ phi các bạn muốn con của các bạn chỉ quanh quẩn ở VN, không mở ra với thế giới, không đi du lịch, không tìm hiểu thêm chuyện gì ngoài những gì mình làm, không giao tiếp thư từ với ai, không tham gia vào bất cứ cuộc nói chuyện sâu sắc nào về văn hoá xã hội, không phải làm bất cứ dự án cần đến viết lách nào…
Nguồn Facebook chị Nguyễn Thu Hằng
Tags: