-
Viết bởi: herbieadmin
-
17/03/2022
TRẺ HỌC TIỂU HỌC NÓI DỐI – BỐ MẸ CẦN HIỂU VÀ CÁCH DẠY TRẺ (PHẦN 1)
Tại sao học sinh tiểu học nói dối
Chắc hẳn ai làm bố mẹ cũng có lúc phải phì cười với những lời nói dối ngộ nghĩnh, ngây thơ của con trẻ, khi chúng còn ở độ tuổi nhà trẻ. Khi bước vào cấp tiểu học, trẻ bước sang 1 giai đoạn mới của sự phát triển với nhiều thay đổi cả ở mặt thể chất, nhận thức, và tình cảm. Do vậy những lời nói dối cũng trở nên tinh vi hơn. Tuy nhiên, nói dối không có nghĩa là hư. Có rất nhiều lý do để trẻ trong độ tuổi này nói dối, ví dụ để gây chú ý của bố mẹ và mọi người xung quanh.
Phải làm gì khi con nói dối
Điều đầu tiên cần làm trước khi phạt con hay dạy con trung thực là bố mẹ phải tìm ra lý do tại sao con nói dối. Dưới đây là 5 lý do phổ biến nhất tại sao học sinh tiểu học hay nói dối và cách dạy con phù hợp.
1. Tự tưởng tượng, bịa đặt hoặc tô vẽ thêm
Mặc dù đã lớn hơn nhiều về mặt nhận thức so với trẻ ở độ tuổi mẫu giáo, trẻ trong độ tuổi học tiểu học thỉnh thoảng vẫn tự tưởng tượng hoặc tô vẽ ra các câu chuyện. Ví dụ khi con kể rằng hôm nay con chạy về nhanh nhất lớp trong giờ thể dục (mặc dù mọi khi con chạy rất chậm), nguyên nhân có thể là con chưa đủ lớn để phân biệt giữa thực tế và tưởng tượng, hay gặp ở trẻ lớp 1 hoặc lớp 2, hoặc cũng có thể con đangmuốn gây sự chú ý của bố mẹ hoặc mọi người xung quanh.
Nếu con tô vẽ thêm quá nhiều chi tiết và câu chuyện trở nên phi lý, có thể con thiếu tự tin vào bản thân và muốn đề cao mình lên. Có thể con đang cảm thấy mình bị chịu áp lực phải giỏi 1 khía cạnh nào đó (từ phía bố mẹ) hoặc phải chứng minh bản thân để được chấp nhận từ nhóm bạn nào đó.
Bố mẹ nên làm
Cho dù bất kể vì lý do gì khiến con nói dối, bố mẹ cũng không nên chế diễu trẻ, nếu không con sẽ càng trở nên tự ti. Hãy động viên những gì con làm tốt, và phải luôn khẳng định với con rằng bạn luôn đánh giá cao những cố gắng của con. Hãy nói với con là bố mẹ biết những gì con vừa nói là chưa đúng sự thật nhưng bố mẹ vẫn yêu con cho dù con không phải là người chạy nhanh nhất lớp.
Nếu con đang nói dối với người khác trước mặt bố mẹ, KHÔNG được mắng hay phê bình con trước mặt người khác. Hãy đợi lúc nào chỉ có riêng 2 mẹ con hoặc 2 bố con để giải thích cho con thấy những hậu quả có thể có từ những lời nói dối đó.
Hãy kể cho con nghe câu chuyện “Chú bé chăn cừu” để con hiểu được hậu quả của việc nói dối.
2. Che đậy sự thật
Khi con, ở lứa tuổi tiểu học, khẳng định rằng mình không phải là người để cửa mở, khiến cho con chó của gia đình chạy mất, con hiểu là mình đã làm điều gì không đúng và đang cố gắng để che đậy lỗi của mình. Mục đích của con là tránh không bị bố mẹ phạt.
Đây là trường hợp khó, nếu bố mẹ kỷ luật, mắng mỏ con nếu con thừa nhận mình là người không đóng cửa, con sẽ quyết định nói dối để tránh tội. Nhưng nếu bố mẹ không nghiêm với con, hành vi nói dối để che đậy sự thật sẽ phát triển mạnh hơn.
Bí quyết ở đây là phải sự cân bằng giữa việc tìm hiểu, giải thích cho con và biện pháp kỷ luật. Nhiều nghiên cứu cho thấy, các bậc cha mẹ sử dụng nguyên tắc phân tích, giải thích rằng nói dối là sai sẽ làm giảm tần số con mình nói dối, trong khi những người trừng phạt con vì đã nói dối lại có thể khuyến khích con mình nói dối nhiều hơn.
Bố mẹ nên làm
Khi con trẻ của bạn cố che đậy, hãy thực hiện các bước sau đây:
• Giữ bình tĩnh và hãy sử dụng nó như một cơ hội để dạy cho trẻ về sự trung thực.
• Tìm ra lý do tại sao con bạn lại che đậy sự việc. Khi bạn hỏi con lý do tại sao đã nói dối về việc để cổng mở, con bạn có thể thừa nhận rằng vì sợ làm bố mẹ tức giận hoặc không muốn bị phạt
• Giải thích tại sao nói dối là sai. Chỉ ra cho con thấy được trách nhiệm phải đóng cửa khi ra vào nhà. Tuy nhiên ai cũng có lúc sai, và có thể bỏ qua được lỗi sai đó. Tuy nhiên, nói dối để che đậy việc làm sai của mình là không thể chấp nhận được.
• Thay vì trừng phạt con, bố mẹ nên cùng con nghĩ cách sửa chữa sai lầm. Con bạn có thể in một loạt thông báo “bị mất con chó” để dán xung quanh khu phố tìm sự giúp đỡ.
• Nói với các con bạn là bất cứ thế nào bạn vẫn yêu chúng. Đó là cách làm tốt cho con của bạn để phát triển lành mạnh và hối hận với việc làm chưa tốt. Chì chiết, mắng mỏ, trừng phạt sẽ khiến con mất đi sự tự tin vào bản thân.
Phần 2: 3 nguyên nhân tiếp theo khiến trẻ ở lứa tuổi tiểu học nói dối
Herbie sưu tầm và dịch
Tags: