-
Viết bởi: herbieadmin
-
17/03/2022
9 CÂU NÓI CỦA CHA MẸ SẼ KHIẾN TRẺ MẤT TỰ TIN VÀ KHÔNG ĐỘC LẬP (PHẦN 1)
Cáu giận và bực bội với con không phải là chuyện hiếm có khi xung quanh bố mẹ có bao nhiêu là áp lực và con đôi khi quấy rầy không đúng lúc. Trong lúc cáu giận, bố mẹ có thể nói ra những câu nói chỉ để xả bực bội mà thực tâm không nghĩ thế, nhưng lại khiến cho con trẻ ngơ ngác và hiểu sai. Và cho dù cáu giận bực bội thế nào, các mẹ cũng không nên nói với con 9 điều dưới đây nhé.
1. “Ba/Mẹ đang bận/ con phiền hà quá/ con đi ra chỗ khác chơi đi”
Chẳng có bố mẹ nào mà chưa từng bực bội cáu giận với con cả, thế nhưng nếu bố mẹ thường xuyên nói với con “Con nhiều chuyện quá” “Mẹ đang bận”, trẻ sẽ nghĩ rằng “sẽ không thể nói chuyện hay lại gần ba mẹ được, ba mẹ lúc nào cũng bận rộn và không có thời gian cho mình đâu” Điều này rất tai hại bởi khi các con sẽ ít gần gũi với ba mẹ, và khi lớn lên, vào tuổi teen, chúng sẽ chẳng tâm sự những chuyện riêng tư với bạn nữa.
Câu nói tốt nhất để nói với con những lúc bận rộn là “Ba/ mẹ phải hoàn thành nốt việc này, và cần thêm khoảng ….. phút nữa. Con chơi….. tiếp đi, khi nào ba/ mẹ xong việc sẽ ra chơi với con”.
2. Chụp mũ con, ví dụ “Con hay xấu hổ thế”
Những câu nói chụp mũ như “Sao con hay xấu hổ thế” hay “con xấu tính, làm anh mà không chịu nhường em” sẽ khiến cho trẻ nghĩ rằng chúng (hay xấu hổ, hoặc xấu tính…) đúng là như những gì ba mẹ vừa nói. Thỉnh thoảng, trẻ cũng nghe lỏm được những câu ba mẹ nói với nhau hoặc với người khác về chúng như “con mình lười/ nhác lắm” Thậm chí những câu nói chụp mũ mang tính tích cực như “Con mình thông minh lắm” cũng có tác hại, khiến trẻ tự huyễn hoặc về bản thân.
Cách tốt nhất ba mẹ nên làm là chỉ nói về HẠNH ĐỘNG chứ không nói CON NGƯỜI. Ví dụ, nếu Nam lấy đồ chơi của em, ba mẹ không nên nói “Nam, sao con xấu tính thế, nhường em đi” mà nên nói “Nam ơi, lấy đồ chơi của em như thế là chưa hay”. Nói như vậy sẽ khiến trẻ hiểu đúng, HÀNH ĐỘNG lấy đồ chơi là chưa hay chứ không phải CON NGƯỜI Nam chưa hay.
3. “Đừng khóc nữa/ Nín đi nào”
Hay những câu đại loại như “Đừng buồn nữa”, “Đừng hành động giống baby thế”, “Đừng sợ, không có gì đáng sợ cả” không giúp gì trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ. Trẻ con cũng có cảm giác, cũng biết sợ, biết buồn… ba mẹ nói như vậy khiến trẻ cảm thấy ba mẹ không hiểu mình. Trẻ nghĩ rằng những cảm giác buồn, sợ… của mình là không chấp nhận được.
Ba mẹ nên khẳng định những “trạng thái tình cảm” của con bằng cách nói “Đúng là sóng biển lúc chưa quen thì có thể làm con sợ. 2 mẹ con mình thử cùng đứng nguyên 1 lúc để sóng đánh vào chân, và mẹ nắm chặt tay con nhé”. Trẻ sẽ hiểu rằng ba mẹ hiểu con, và chia sẻ được với con. Cuối cùng chúng sẽ hết sợ, buồn hay khóc.
4. So sánh “Tại sao con không được giống như chị con nhỉ”
Có vẻ như cách này giúp trẻ có được 1 tấm gương để học tập và phấn đấu, thế nhưng những so sánh kiểu này lại gây ra nhiều tác hại với trẻ. So sánh trẻ với trẻ khác khiến chúng nghĩ rằng bạn không hài lòng, không yêu chúng mà chỉ yêu những người được đem ra so sánh. Từ đó, trẻ sẽ bị sức ép và sẽ trở nên mất tự tin vào bản thân.